Báo Tuổi Trẻ - kỷ niệm 10 năm học bổng “Tiếp sức đến trường” (2002-2012)

menu

Đóng

Báo Tuổi Trẻ - kỷ niệm 10 năm học bổng “Tiếp sức đến trường” (2002-2012)

“Tôi không quan trọng việc giúp được nhiều hay ít, vấn đề là có tấm lòng hay không thôi. Nếu có lòng, ai cũng có thể làm được”, ông Nguyễn Văn Đạt – tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt – chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách duy trì học bổng “Tiếp sức đến trường” cho sinh viên quê mình. Ông nói:

– Tôi cũng như nhiều doanh nhân khác đều mong muốn được góp chút sức mình với xã hội khi có lợi nhuận trong kinh doanh. Đó không phải là cách đánh bóng tên tuổi, thương hiệu gì đâu, đơn giản chỉ là nếu doanh nghiệp mình phát triển, làm ăn thuận lợi mà không hỗ trợ lại cộng đồng thì đâu còn vui nữa. Qua sự quen biết của bạn bè, tôi nhận thấy “Tiếp sức đến trường” là chương trình có ý nghĩa rất tốt của Tuổi Trẻ, hỗ trợ rất nhiều trường hợp khó khăn nên quyết định cùng tham gia.

* Được biết ông đã góp 5 tỉ đồng và vận động thêm bạn bè 1 tỉ đồng nữa để hình thành quỹ học bổng 6 tỉ đồng. Số quỹ này đã được dùng ra sao?

– Tôi luôn tính chuyện lâu dài. Thay vì dùng số tiền ấy tặng học bổng hằng năm cho đến hết, tôi lập ra quỹ. Số quỹ này được cho vay để sinh lợi hằng năm theo lãi suất ngân hàng và dùng chính tiền lãi này để tặng học bổng cho sinh viên. Nhiều năm qua, chúng tôi cho Công ty cổ phần ôtô Đô Thành vay số tiền ấy và ngoài phần lãi suất có được, đơn vị này còn góp thêm cho quỹ học bổng vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Quỹ này chúng tôi tặng hẳn cho chương trình và đứng ra bảo lãnh cho vay. Nếu có thất thoát trong quá trình cho vay, chúng tôi sẵn sàng bù lại khoản khác cho quỹ. Thường chúng tôi không tặng hết số lãi có được hằng năm mà luôn dành lại một phần góp vào quỹ chung. Mỗi năm tăng thêm vài trăm triệu đồng thì số quỹ gốc ban đầu sẽ tăng dần lên, vì mục tiêu của chúng tôi khi tham gia chương trình này không chỉ là 6 tỉ đồng mà phải tính đến con số chục, thậm chí vài chục tỉ cho quỹ để có thể duy trì học bổng một cách bền vững, ổn định lâu dài.

* Ông từng nói rằng các đối tác khi tham gia hợp tác những dự án với ông cũng tham gia chương trình này như một điều kiện cần trong chuyện làm ăn, có đúng như thế ạ?

– Đúng là khi tham gia các dự án với chúng tôi, đối tác đều được mời gọi tham gia quỹ này như là một điều kiện cần có trong quá trình hợp tác lâu dài. Hiện nhiều đơn vị đã đồng ý tham gia, số tiền cam kết cũng được vài trăm triệu đồng rồi. Nhưng thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều khó khăn, nhiều đơn vị đang rất vất vả để duy trì hoạt động, nếu không số quỹ chắc chắn sẽ không tạm dừng ở con số đó.

* Số lượng tân sinh viên nghèo khó hằng năm rất nhiều nhưng số học bổng chỉ có hạn. Ông chia sẻ gì để chương trình phát triển mạnh hơn thời gian tới?

– Nếu chạy lo từng suất học bổng đầu mỗi năm học đúng là khó lắm, vì có thể năm nay doanh nghiệp làm ăn tốt người ta ủng hộ, năm sau làm ăn không thuận lợi họ không tham gia thì sao. Tôi biết có nhiều hội đồng hương các tỉnh, thành hoạt động mạnh, liên kết với nhau chặt chẽ và làm ăn cũng tốt lắm, nên nếu muốn ổn định chương trình lâu dài, tôi cho rằng phải bám chặt các hội đồng hương này. Khi có được mối quan hệ này, khả năng hình thành nguồn quỹ tiếp sức cho các tỉnh trong cả nước là không khó.

Không doanh nhân nào thành đạt lại không muốn trở lại giúp sức cho quê hương mình. Chưa kể đây là một hoạt động hết sức nhân văn. Khi mình giúp được cho một bạn trẻ nào đó có cơ hội đến trường thì cũng chính là mình đang góp phần cho xã hội phát triển. Mỗi bạn học xong họ không chỉ tự lo cho mình mà còn có thể lo được cho gia đình, dòng tộc, khi thành đạt các bạn còn đóng góp cho xã hội. Chỉ cần vài chục trong hàng ngàn sinh viên được nhận học bổng này thành công, quay trở lại đóng góp cho xã hội thì chương trình này đã làm được một điều rất lớn rồi.

Giúp quê mình trước đã

Ngoài “Tiếp sức đến trường”, ông Nguyễn Văn Đạt còn tham gia hỗ trợ học bổng “Ngăn dòng bỏ học” với Tuổi Trẻ giúp học sinh bám trường, bám lớp. Đọc những thông tin về cuộc sống khó khăn, thiếu trợ cấp và hầu như không có thưởng tết của giáo viên miền núi, ông lại ấp ủ dự án hỗ trợ họ; nhưng tình hình kinh doanh, thị trường bất động sản đang gặp khó nên ông tự nhận đang còn nợ. “Chắc chắn tôi sẽ thực hiện dự án đó. Muốn có những thế hệ trẻ tốt, phải chăm lo cho những người đang “trồng người” chứ. Rất muốn giúp được cho nhiều nơi nhưng sức mình có hạn nên tôi phải chọn giúp quê hương Quảng Ngãi của mình trước đã” – ông Đạt nói.

QUỐC LINH (Báo Tuổi Trẻ)