6 Công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu dưới tỉ đô tốt nhất châu Á

menu

Đóng

6 Công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu dưới tỉ đô tốt nhất châu Á

Danh sách 200 công ty có doanh thu dưới tỉ đô tốt nhất châu Á theo đánh giá của Forbes Asia đã vinh danh những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam góp 6 gương mặt, đều là các công ty đang niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

200 công ty được Forbes Asia lựa chọn trong tổng số 18.000 công ty đại chúng hoặc niêm yết khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên đánh giá tiêu chí định lượng và định tính và ưu tiên tính đa dạng ngành nghề và quốc gia.

Các công ty được vinh danh đã vượt trội hơn hẳn đối thủ về doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận, kiểm soát mức nợ và quản trị doanh nghiệp tốt, nhờ đó đạt được kết quả kinh doanh phi thường bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn.

Từ 18.000 công ty niêm yết tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với doanh thu thường niên trong khoảng trên 10 triệu – dưới 1 tỉ USD, 200 công ty cuối cùng đã được chọn ra. 

6 công ty Việt Nam trong danh sách này gồm Công ty cổ phần bất động sản Thế kỷ (CRE), Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Taseco (AST) và Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long (TLG).

Quy mô doanh thu năm của các công ty Việt trong danh sách từ 49-193 triệu USD trong khi thu nhập ròng 8-36 triệu USD. Dẫn đầu là Nam Việt với 193 triệu USD, trong khi PDR có lợi nhuận ròng cao nhất với 36 triệu USD và dẫn đầu vốn hóa với 387 triệu USD.

Hai đại diện trong lĩnh vực bất động sản là CenLand (CRE) và Phát Đạt (PDR). Với doanh thu 100 triệu USD và lợi nhuận ròng 17 triệu USD, Cenland theo mô mả của Forbes Asia là nhà môi giới bất động sản hàng đầu hiện đang vận hành nền tảng giao dịch trực tuyến.

Trong khi đó Phát Đạt là nhà phát triển bất động sản với quỹ đất tập trung tại TP.HCM. Doanh thu 146 triệu USD và dẫn đầu lợi nhuận trong 6 công ty với 36 triệu USD.

Danh sách cũng ghi nhận hai đại diện trong lĩnh vực gia dụng là Đông Hải Bến Tre (giấy), Thiên Long (bút viết, văn phòng phẩm).

Đông Hải Bến Tre sở hữu 3 nhà máy sản xuất giấy và bao bì carton. Tổng công suất sản xuất giấy Kraft công nghiệp 60.000 tấn/năm và sản xuất giấy carton và bao bì carton 25 triệu m2/năm. Năm ngoái công ty ghi nhận doanh thu 1.430 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế 181,5 tỉ đồng, tăng lần lượt 54,3% và 35,3% so với năm 2018.

Thiên Long được nhắc đến với 60% thị phần bút viết trong nước. Trong lịch sử hoạt động đến năm 2019, công ty đạt hiệu quả ấn tượng. Năm ngoái doanh thu TLG 3.252 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 349 tỉ đồng, tăng lần lượt 14% và 18,7% so với năm trước.

Danh sách cũng ghi nhận một đại diện trong lĩnh vực thủy sản là công ty cổ phần Nam Việt. Nam Việt là nhà chế biến và xuất khẩu cá tra nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cá tra lớn của cả nước với doanh thu năm ngoái 193 triệu USD, dẫn đầu trong nhóm 6 công ty.

Sau khi tái cấu trúc thành công và tập trung cho mảng xuất khẩu thủy sản, kết quả kinh doanh của Nam Việt liên tục tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây. Năm ngoái công ty báo doanh thu đạt 4.480 tỉ đồng, lãi sau thuế 704 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,8% và 16,5% so với năm 2018.

Đại diện còn lại là công ty cổ phần dịch vụ hàng không Taseco (AST). Taseco Airs sở hữu bởi công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long, tập trung khai thác lĩnh vực hàng không tại sân bay, dịch vụ ăn uống, cửa hàng miễn thuế…

Theo ghi nhận của phóng viên Forbes Vietnam, ngoại trừ DHC, các công ty còn lại trong danh sách đều có kết quả kinh doanh nửa đầu năm chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên với danh sách này, Forbes Asia nhấn mạnh dựa trên dữ liệu tài chính trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Từ 18.000 công ty niêm yết tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với doanh thu thường niên trong khoảng trên 10 triệu – dưới 1 tỉ USD, 200 công ty cuối cùng đã được chọn ra.

Thông tin trong danh sách được lấy từ dữ liệu thường niên kết thúc ngày 7.7 và không thể hiện được toàn cảnh ảnh hưởng của đại dịch. Các tiêu chí đánh giá cũng đảm bảo sự đa dạng về khu vực địa lý thông qua các yếu tố định tính và định lượng nhằm tạo ra danh sách chọn lọc nhất.

Danh sách này xác định các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh dài hạn bền vững thông qua hàng loạt chỉ số. Các doanh nghiệp vào danh sách không được xếp hạng theo bất cứ tiêu chí nào và được lựa chọn dựa trên các con số liên quan tới nợ, doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong 1-3 năm gần nhất cũng như mức lời trung bình 1-5 năm trên cổ phần.

Bên cạnh các tiêu chí định tính, các yếu tố định lượng, chẳng hạn như các vấn đề liên quan tới quản trị doanh nghiệp, kế toán, môi trường làm việc và các rắc rối pháp lý cũng được xem xét. Danh sách không bao gồm các doanh nghiệp được quản lý bởi nhà nước và các công ty con.

Đặc biệt danh sách vinh danh 200 công ty có doanh thu dưới tỉ đô tốt nhất châu Á năm 2020 ghi nhận sự góp mặt của 6 đại diện đến từ Việt Nam, bao gồm. Thiên Long, Taseco, Phát Đạt, Nam Việt, Đông Hải Bến Tre và Century Land.

Xem danh sách đầy đủ Tại đây.

Nguồn https://forbesvietnam.com.vn/