TS. Cấn Văn Lực: "TP.HCM đang nắm giữ những cơ hội hiếm có để vươn mình thành siêu đô thị tầm quốc tế"

menu

Đóng

TS. Cấn Văn Lực: "TP.HCM đang nắm giữ những cơ hội hiếm có để vươn mình thành siêu đô thị tầm quốc tế"

Sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, TP. HCM đã trở thành siêu đô thị lớn nhất cả nước, với quy mô dân số, kinh tế và không gian đô thị vượt trội. Điều này không chỉ mở ra cơ hội tái cấu trúc toàn diện hạ tầng, quy hoạch và mô hình quản trị mà còn tạo dư địa bứt phá cho thị trường đầu tư bất động sản.

 

Động lực từ quy mô và vị thế kinh tế hàng đầu

Tại hội thảo “Bất động sản siêu đô thị TP. HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội”, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã nhận định rằng, TP.HCM đang nắm giữ những lợi thế và cơ hội hiếm có để vươn mình trở thành một siêu đô thị hiện đại, đa trung tâm, mang tầm khu vực và quốc tế. Ông chỉ rõ:

Với diện tích chiếm khoảng 2% cả nước và dân số tương đương 13,5% dân số quốc gia, TP. HCM không chỉ là đô thị lớn nhất mà còn có nền tảng dân trí cao, phân bố dân cư tương đối đồng đều – một điều kiện thuận lợi cho phát triển đồng bộ và bền vững.

TP. HCM vốn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp tới 23,8% GDP, chiếm 22% kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút 24,2% vốn FDI và đóng góp hơn 33% tổng thu ngân sách quốc gia.

 

TS. Cấn Văn Lực: "TP.HCM đang nắm giữ những cơ hội hiếm có để vươn mình thành siêu đô thị tầm quốc tế"- Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định rằng, TP. HCM đang sở hữu nhiều lợi thế nền tảng để bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

 

Không chỉ dẫn đầu về quy mô kinh tế, TP.HCM còn là địa phương tiên phong trong việc thí điểm và triển khai cơ chế chính sách đặc thù. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế phát triển riêng cho TP. HCM, Nghị quyết 222/2025/QH15 về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng, cùng với định hướng chiến lược phát triển đô thị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thành phố cũng đang có lợi thế rõ rệt nhờ mô hình phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Với thế mạnh về dịch vụ tài chính, công nghiệp, logistics, công nghệ cao, du lịch và kinh tế biển, TP. HCM được định vị là trung tâm tài chính – công nghiệp – công nghệ hàng đầu cả nước, hướng tới mục tiêu lọt Top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

“Với tổng hòa các yếu tố về quy mô, chính sách, kinh tế, hạ tầng và công nghệ, TP. HCM đang đứng trước thời cơ bứt phá mạnh mẽ để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một siêu đô thị hàng đầu, xứng đáng là hạt nhân phát triển năng động và đầu tàu tăng trưởng của cả nước”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

 

Sức hút với dòng vốn đầu tư: Từ Bắc vào Nam

Chính những động lực tăng trưởng mạnh mẽ nói trên đã lý giải cho xu hướng các sàn giao dịch bất động sản và nhà đầu tư từ phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đang mạnh mẽ “Nam tiến”. Theo TS. Cấn Văn Lực, xu hướng dịch chuyển dòng tiền này xuất phát từ ba lý do then chốt.

Thứ nhất, quy mô vượt trội, sau khi thực hiện sáp nhập, TP.HCM hiện nay có quy mô dân số và diện tích lớn hơn rất nhiều, thậm chí gần gấp đôi so với TP. Hà Nội. Điều này tạo ra thị trường lớn hơn rõ rệt cả về nhu cầu tiêu dùng lẫn phát triển đô thị.

Thứ hai, cấu trúc thị trường bất động sản đa dạng và năng động. TP.HCM đang sở hữu đầy đủ các phân khúc bất động sản, từ nhà ở, thương mại, công nghiệp, logistics cho đến nghỉ dưỡng.

Thứ ba, nhu cầu nhà ở cao và thực chất hơn. TP.HCM đang là nơi tập trung lực lượng lao động đông đảo, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất. Điều này kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở, nhà lưu trú, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.

Mặt khác, giá bất động sản tại TP. Hà Nội thời gian qua đã tăng với tốc độ nhanh, thậm chí vượt TP.HCM, khiến dư địa tăng giá trong tương lai bị thu hẹp. Trong khi đó, nhiều khu vực thuộc TP.HCM như Bình Dương (cũ) hay Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) vẫn còn tiềm năng tăng trưởng nhờ quỹ đất lớn, hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ và nhu cầu thực tế từ cư dân, doanh nghiệp ngày càng rõ nét.

Đây chính là những yếu tố mang tính nền tảng, góp phần củng cố vai trò “đầu tàu” kinh tế của TP.HCM, cũng như tăng sức hút đối với các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

 

TS. Cấn Văn Lực: "TP.HCM đang nắm giữ những cơ hội hiếm có để vươn mình thành siêu đô thị tầm quốc tế"- Ảnh 2.

Thị trường bất động sản “siêu đô thị” TP. HCM đang thu hút làn sóng “Nam tiến” của các nhà đầu tư phía Bắc. (Ảnh minh hoạ: Nhật Thịnh/Báo Thanh niên).

 

Chiến lược đầu tư trong bối cảnh siêu đô thị

Dưới góc nhìn đầu tư, TS. Cấn Văn Lực nhận định rằng, việc phát triển các siêu đô thị, đặc biệt là tại TP.HCM, đang mở ra cơ hội rất lớn cho cả nhà đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả, nhà đầu tư cần một chiến lược bài bản, có tính chọn lọc và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường đầu tư nhiều biến động.

Ông đưa ra 5 lưu ý quan trọng cho nhà đầu tư:

Thứ nhất là chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, nhất là các trục tăng trưởng mới, các khu đô thị vệ tinh và hạ tầng liên vùng.

Thứ hai là nhận diện rõ cơ hội và thách thức khi đầu tư, kinh doanh tại một đô thị có quy mô và tốc độ phát triển nhanh, đi kèm nhiều yếu tố thay đổi như TP.HCM.

Thứ ba là xác định rõ mục tiêu đầu tư và khẩu vị rủi ro. Nhà đầu tư cần hiểu rõ mình muốn gì, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn hay đầu tư chiến lược dài hạn? Ưu tiên an toàn hay chấp nhận rủi ro cao để đổi lấy lợi nhuận lớn?

Thứ tư là lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp. Đó là tự thực hiện, hợp tác cùng đối tác địa phương, hay thông qua các tổ chức tư vấn, quỹ đầu tư, mô hình liên doanh?

Thứ năm là chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính và năng lực triển khai, nhằm đảm bảo khả năng theo đuổi dự án đến cùng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao và quá trình phê duyệt, vận hành ngày càng đòi hỏi chuyên môn sâu.

Có thể thấy, sự thay đổi về địa giới hành chính TP.HCM không chỉ là bước ngoặt về hành chính – địa lý, mà còn là cơ hội lớn để định hình lại vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố. Trong bối cảnh dòng vốn đang tái định vị và thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới, việc nhận diện đúng cơ hội và chuẩn bị chiến lược đầu tư phù hợp sẽ là chìa khóa thành công cho các nhà đầu tư đang hướng về miền Nam.

Theo Realtimes.