Tiếp tục giảm thuế VAT đến hết tháng 6-2025
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% lên 1 năm, thay vì chỉ 6 tháng
Chiều 28-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trình Quốc hội (QH) dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Kéo dài thời gian giảm thuế VAT
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 30-6-2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc giảm 2% thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Đối với doanh nghiệp (DN), việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế VAT. Thảo luận tại hội trường sau đó, đa số ĐBQH cũng tán thành việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% nhằm góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội.
ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng những kết quả của chính sách giảm thuế VAT 2% từ năm 2022 đã mang lại lợi ích rõ rệt, cho thấy việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% là đúng đắn.
Một số ý kiến nhấn mạnh tiêu dùng là một trong những trụ cột quan trọng trong năm 2025. Do đó, với Nghị quyết này cần thời gian thực hiện dài hơn. ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) kiến nghị nên kéo dài thời gian của Nghị quyết lên 1 năm thay vì 6 tháng như đề xuất của Chính phủ.
Cũng đồng tình với việc tiếp tục giảm thuế VAT 2%, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nên “giảm lắt nhắt” 6 tháng một. Bởi năm ngoái, khi Chính phủ trình giảm thuế VAT trong 6 tháng, đã có ý kiến đặt ra sao không giảm 1 năm. “Chính phủ có bảo đảm sau 6 tháng sẽ không trình QH giảm thuế VAT 2% thêm?” – ông Hòa đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ cân nhắc.
Đề xuất mức thuế 10% đối với báo chí
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi. Tại dự thảo Luật, Ban soạn thảo dự kiến sẽ giảm thuế TNDN cho các loại hình báo chí từ 20% còn 15% (báo điện tử, truyền hình, phát thanh), riêng báo in vẫn giữ nguyên 10% như quy định hiện hành.
Nhiều ĐB cho rằng cần giảm thuế TNDN hơn nữa so với dự thảo luật để hỗ trợ cơ quan báo chí, bởi ngân sách nhà nước không giảm đi bao nhiêu nhưng với báo chí đó là sự động viên rất quan trọng.
ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhận định các cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục thay vì kinh doanh. Việc áp dụng mức TNDN phổ thông 20% cho các nguồn thu ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của báo chí. Ông Bình dẫn chứng các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế TNDN, nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Ông Bình cho biết trong bối cảnh cạnh tranh với các nền tảng số, nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn. Các khoản thu nhập không ổn định như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế. Vì vậy, ĐB Bình đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện; miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông.
Đồng tình, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh báo chí đang hết sức khó khăn, đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút và có nhiều bài toán phải giải quyết. Nguồn thu giảm trong khi nhiệm vụ nhiều hơn và đặc biệt là cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn, đầu tư công sức nhiều hơn.
ĐB từng là Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân này cho rằng việc giảm thuế chính là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ cơ quan báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ và cần có chính sách mạnh mẽ hơn. Ông Nghĩa cũng phân tích chủ trương chuyển đổi số rất đúng đắn, cần thiết và báo chí phải đi đầu. Để đi đầu không chỉ đầu tư về máy móc mà còn phải chuyển đổi cơ bản phương thức đào tạo, hỗ trợ phóng viên – những khoản đầu tư rất tốn kém. Do đó, ông đề nghị giảm thuế xuống 10% với tất cả loại hình báo chí.
Báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết với cơ quan báo chí, cơ quan soạn thảo cũng mong áp dụng mức thuế TNDN đối với báo in và các loại hình báo chí khác là 10%. “Nếu QH đồng ý thì chúng tôi đề xuất là 10%” – ông khẳng định.
Hôm nay (29-11), QH biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Trong ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN.
Theo Người Lao Động